Bệnh hô hấp mãn tính CRD hay còn gọi là bệnh "hen" gà là một bệnh truyền nhiễm phổ biến trên gia cầm. Bệnh chủ yếu do vi khuẩn Mycoplasma gallisepticum (MG) gây ra. Ngoài ra, chủng Mycoplasma Synoviae (MS) gây bệnh viêm khớp truyền nhiễm thỉnh thoảng cũng gây ra bệnh viêm đường hố hấp trên gà. Bài viết này sẽ đề cập những dấu hiệu của bệnh CRD và cách xử lý khi phát hiện gà nhiễm bệnh CRD kịp thời, để giảm thiểu thiệt hại kinh tế cho chủ trại.
1) Bệnh CRD là gì?
Bệnh hô hấp mãn tính CRD hay còn gọi là bệnh "hen" gà là một bệnh truyền nhiễm phổ biến trên trên gia cầm. Bệnh chủ yếu do vi khuẩn Mycoplasma gallisepticum (MG) gây ra trên gà mọi lứa tuổi.
Nguyên nhân: Bệnh thường xảy ra mạnh khi bị tác động bởi các yếu tố sau:
• Thay đổi thời tiết đột ngột
• Khi vận chuyển, chuyển đàn, ghép đàn…
• Mật độ nuôi quá dày
• Nền chuồng ẩm ướt, bụi bẩn, nồng độ khí NH3, H2S quá cao…
• Không đảm bảo độ thông thoáng của chuồng nuôi, đặc biệt là không đảm bảo tốc độ gió
Con đường lây truyền bệnh:
• Bệnh thường lây truyền dọc từ đàn mẹ truyền sang đàn con.
• Bệnh cũng lây truyền ngang khi có tiếp xúc trực tiếp giữa các con bị nhiễm hoặc đã khỏi nhưng mang mầm bệnh sang đàn mẫn cảm.
Thiệt hai kinh tế cho chủ trại:
• Đối với gà thịt: làm giảm khả năng tăng trưởng, tăng tiêu tốn thức ăn, tỷ lệ chết cao
• Đối với đàn gà giống và gà đẻ thương phẩm: làm giảm tỷ lệ sống và giảm sản lượng trứng, vỏ mỏng. Khi mầm bệnh truyền qua trứng thường làm giảm số lượng những đàn gà giống.
Mức độ nặng nhẹ của bệnh phụ thuộc vào các yếu tố sau:
• Mật độ vi khuẩn M.Galisepticum có trong môi trường nuôi
• Thời gian phát hiện bệnh, chẩn đoán đúng, điều trị sớm
• Sức đề kháng của vật nuôi
• Mật độ các loại vi khuẩn kế phát có trong môi trường chuồng nuôi
• Điều kiện môi trường, thời tiết, ẩm độ, nhiệt độ chuồng nuôi
Bệnh thường ghép với các bệnh khác gọi là bệnh hen ghép CCRD, thường ghép với E.Coli, Salmonella,…
Trường hợp bệnh CRD ghép E. Coli
• Gây ra hiện tượng hen ghép tiêu chảy phân xanh trắng, túi khí chứa nhiều dịch viêm, có bã đậu trên túi khí, viêm phủ Fibrin trên tim và gan màu trắng như cùi nhãn
• Nếu bệnh do Mycoplasma Synoviae gây ra thì có triệu chứng viêm khớp
• Bệnh hen ghép thường kéo dài khó điều trị, thiệt hại về kinh tế
• Tỷ lệ chết cao
• Gà mắc bệnh CCRD thường có FCR cao
Bài viết này sẽ đề cập những dấu hiệu của bệnh CRD và cách xử lý khi phát hiện gà nhiễm bệnh CRD kịp thời, để giảm thiểu thiệt hại thấp nhất cho chủ trại.
2) Nhận diện bệnh CRD trên gà
Triệu chứng:
1. Gà bệnh khó thở, ủ rũ, mệt mỏi, ăn kém, xù lông chậm lớn
2. Gà bệnh hen khẹc, vẩy mỏ, chảy nước mắt, mũi, viêm mắt dẫn đến mù mắt
3. Mũi có chứa dịch viêm
4. Viêm khớp , các khớp sưng to, có dịch, tư thế ngồi khuỷu
Bệnh tích:
1. Khí quản chứa nhiều đờm dãi
2. Viêm túi khí
3. Viêm phủ Fibrin gan
4. Viêm xoang bụng có bã đậu
3) Phương pháp phòng và điều trị bệnh CRD hiệu quả?
- Kiểm soát và phòng bệnh
• Đảm bảo chất lượng con giống, nhập giống từ những cơ sở có uy tín
• Tỷ lệ nuôi phù hợp trên mỗi đàn
• Chuồng trại đảm bảo thông thoáng, khô ráo
• Tiêm phòng vacxin đầy đủ cho gà bố mẹ và gà con
• Phòng bệnh bằng quản lý, vệ sinh sát trùng
• Dùng thuốc phòng khi thời tiết thay đổi
- Điều trị bệnh:
• Thường xuyên vệ sinh sát trùng chuồng trại
• Dùng kháng sinh để điều trị (Tylosin + Doxycycline, Timicosin + Doxycycline)
• Dùng thuốc bổ trợ (long đờm, các loại vitamin)
• Thời gian điều trị thường từ 7 – 10 ngày
• Kết hợp phun thuốc sát trùng toàn bộ chuồng trại
Hướng xử lý khi gà mắc bệnh CRD cụ thể như sau:
Đầu tiên cần phân biệt rõ triệu chứng hen do MG hay do các nguyên nhân khác để có phương pháp điều trị thích hợp nhất. Sau khi xác định chính xác nguyên nhân là do MG gây ra nên kiểm tra xem có dấu hiệu MG bệnh ghép với vi khuẩn hay virut khác hay không để có phương án xử lý sao cho hiệu quả.
Tiếp theo tiến hành các bước điều trị bệnh cụ thể như sau:
Bước 1: Điều trị triệu chứng cấp thiết hen, khẹc, long đờm cho gà, kết hợp sử dụng các biện pháp hồi phục sức khỏe đàn gà: các loại vitamin bổ sung miễn dịch, đề kháng
• Long đờm: có thể dùng Bromhexin.
• Vitamin: vitamin A, vitamin D, vitamin C
Bước 2: Tiêu diệt, kìm hãm mầm bệnh bằng các thuốc kháng sinh nhạy cảm với bệnh CRD trên gà. Có thể phòng lại bằng vacxin (trường hợp ghép virut), hoặc có thể dùng kết hợp kháng sinh (trong trường hợp ghép vi khuẩn) chú ý tới sức khỏe đàn gà.
• Tylosin + Doxycycline
• Timicosin + Doxycycline
Lưu ý: Thời gian điều trị thường từ 7 – 10 ngày. Song song quá trình điều trị cần phải thường xuyên dọn dẹp vệ sinh lại chuồng trại sau đó phun sát trùng trong và ngoài trại.
Tóm lại, khi phát hiện có dấu hiệu gà khó thở, thở có tiếng rít khi rướn cổ để thở, ủ rũ, mệt mỏi, ăn kém, hen khẹc, vẩy mỏ, chảy nước mắt, mũi, viêm mắt, mổ khám thấy xoang mũi, khí quản có nhiều dịch nhầy, đờm thì khả năng gà mắc CRD là rất cao. Cần nhanh chóng tiến hành các bước điều trị CRD cho toàn đàn. Greenfeed Việt Nam hy vọng những thông tin trên có thể giúp quý khách hàng trong việc phát hiện, kiểm soát và điều trị CRD hiệu quả, giảm thiểu những tổn thất về kinh tế xuống mức thấp nhất có thể.