ĐIỂM TIN NỔI BẬT THÁNG 7/2024

Ngày 2024-07-31

1. Quảng Ngãi: Hàng loạt địa phương “dính” dịch tả lợn châu Phi, nguy cơ lan rộng

Sáng 26/7, trao đổi với PV Dân Việt, đại diện chính quyền huyện miền núi Sơn Tây cho biết, sau khi xảy ra tình trạng lợn chết nhiều tại 2 xã Sơn Tinh (khoảng 50 con) và Sơn Lập (khoảng 30 con) cách đây mấy ngày, địa phương đã chỉ đạo cho thú y và đơn vị liên quan trực thuộc, khẩn cấp tiến hành xử lý tiêu huỷ và khoanh vùng phun thuốc khử độc.

Theo đó trong 3 ngày qua, các xã còn lại của huyện Sơn Tây, chưa có địa phương nào báo cáo phát hiện thêm ổ, điểm dịch mới.

Về phía Sở chủ quản, vào ngày 23/7 vừa qua, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Quảng Ngãi Nguyễn Quang Trung, cũng đã có văn bản báo cáo cho UBND tỉnh, về diễn biến của tình hình Dịch tả lợn Châu Phi trên địa bàn tỉnh này. Trong văn bản đã gửi cấp thẩm quyền tỉnh, Sở NN&PTNT Quảng Ngãi nêu rõ, theo thông tin từ Bộ NN&PTNT, từ đầu năm 2024 đến nay, cả nước đã xuất hiện trên 660 ổ dịch bệnh Dịch tả lợn Châu Phi tại 44 tỉnh, thành phố, buộc tiêu hủy trên 42.400 con. Trong đó đáng chú ý là tại các tỉnh Bắc Kạn, Lạng Sơn, Quảng Ninh, Hòà Bình, Sơn La, Quảng Nam và Long An… gây thiệt hại nặng cho người chăn nuôi.

Đối với địa bàn tỉnh Quảng Ngãi, trong 6 tháng đầu năm 2024, Dịch tả lợn Châu Phi đã xảy ra tại 26 xã của 10/13 huyện, thị xã và thành phố của tỉnh.

Cụ thể Dịch tả lợn Châu Phi đã xuất hiện, xảy ra tại các huyện Sơn Tịnh, Bình Sơn, Nghĩa Hành, Tư Nghĩa, Ba Tơ, Sơn Tây, Sơn Hà, Trà Bồng, TX.Đức Phổ và TP.Quảng Ngãi, với tổng số lợn bệnh đã chết và buộc tiêu hủy là 430 con.

Sở NN&PTNT Quảng Ngãi nhìn nhận, hiện tình hình Dịch bệnh tả lợn Châu Phi trên địa bàn, đang có chiều hướng gia tăng và nguy cơ lây lan trên diện rộng là rất cao, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến nguồn cung thực phẩm (thịt lợn), chỉ số giá tiêu dùng môi trường và sức khỏe người dân trên địa bàn tỉnh.

Để chủ động tổ chức triển khai quyết liệt, đồng bộ, có hiệu quả các biện pháp phòng, chống Dịch tả lợn Châu Phi trên địa bàn tỉnh, theo chỉ đạo của T.Ư, đại diện Sở NN&PTNT Quảng Ngãi cho biết, đã xây dựng dự thảo và tham mưu cho UBND, để xem xét và chỉ đạo cho các địa phương, cấp ngành chuyên môn, liên quan thực hiện biện pháp phòng, chống Dịch tả lợn Châu Phi trên địa bàn, đạt hiệu quả cao nhất.

(Nguồn: Công Hoàng - Báo Dân Việt)

2. Hải Dương: Tiêm thử nghiệm vắc xin Dịch tả lợn châu Phi tại huyện Cẩm Giàng

Chi cục Chăn nuôi và Thú y đã phối hợp Trung tâm dịch vụ nông nghiệp huyện Cẩm Giàng (Hải Dương) tiêm thử nghiệm vắc xin dịch tả lợn châu Phi ở một số hộ chăn nuôi nhỏ trong huyện.

Tiêm thử nghiệm vắc xin Dịch tả lợn châu Phi tại xã Cẩm Hoàng (Ảnh: Báo Hải Dương)

Từ đầu tháng 7 đến nay, Chi cục Chăn nuôi và Thú y đã triển khai tiêm vắc xin Dịch tả lợn châu Phi cho hơn 140 con lợn thịt của 3 hộ chăn nuôi ở các xã Cẩm Hoàng và Đức Chính. Lần tiêm thử nghiệm này nhằm đánh giá hiệu quả của vắc xin trong phòng chống dịch tả lợn châu Phi để tiến hành triển khai tiêm diện rộng trên địa bàn tỉnh vào thời gian tới.

Trước đó, tháng 10/2023, Chi cục Chăn nuôi và Thú y cũng tiến hành tiêm thử nghiệm cho 40 con lợn thịt của một hộ dân ở xã Cao An (Cẩm Giàng). Sau 28 ngày giám sát chặt chẽ, đơn vị đã lấy 16 mẫu huyết thanh để kiểm tra. Kết quả, tất cả các mẫu huyết thanh đều đạt miễn dịch bảo hộ, đàn lợn thịt được tiêm phòng khỏe mạnh, phát triển bình thường.

Theo Sở NN&PTNT tỉnh, tổng đàn lợn toàn tỉnh là 440.000 con. Trong đó 42.500 con lợn nái và lợn đực giống, 300.700 con lợn thịt. Lợn con theo mẹ ước khoảng 96.800 con.

6 tháng đầu năm 2024, chăn nuôi lợn ở Hải Dương phát triển ổn định, tăng trưởng 4,6%. Chăn nuôi lợn chuyển dịch nhanh theo hướng trang trại, chăn nuôi nhỏ lẻ giảm. Tỷ trọng chăn nuôi theo hình thức công nghiệp, trang trại chiếm trên 60% góp phần nâng sản lượng thịt và hiệu quả trong chăn nuôi. Tuy nhiên, từ đầu năm 2024 đến nay giá lợn tăng cao nên người chăn nuôi có xu hướng tái đàn ồ ạt nhưng việc quan tâm, sử dụng vắc xin còn hạn chế, chưa có vắc xin phòng bệnh dịch tả lợn châu Phi tiêm phòng cho đàn lợn nái, đực giống. Người chăn nuôi chưa thực hiện các biện pháp vệ sinh thú y tối thiểu trong phòng chống dịch bệnh. Việc kiểm soát buôn bán, vận chuyển lợn, sản phẩm từ lợn, kiểm soát giết mổ lợn ở một số địa phương còn chưa được chặt chẽ…

(Nguồn: Tâm An - Tạp chí Chăn Nuôi Việt Nam)

3. Đồng Nai: Gần 1.300 cơ sở ngừng chăn nuôi do bị buộc phải di dời

Tính đến tháng 6.2024, trên địa bàn Đồng Nai có 1.296 cơ sở ngừng chăn nuôi do buộc phải di dời ra khỏi khu vực không được phép chăn nuôi. Ngày 16.7, UBND tỉnh Đồng Nai cho biết, tính đến hết tháng 6.2024, trên địa bàn đã có 1.296 cơ sở ngừng chăn nuôi và chỉ mới có 10 cơ sở di dời ra khỏi khu vực không được phép chăn nuôi.

Trước đó, vào tháng 2.2023, UBND tỉnh Đồng Nai đã ban hành quyết định phê duyệt danh sách hơn 3.000 cơ sở chăn nuôi phải di dời ra khỏi khu vực không được phép chăn nuôi.

Đến tháng 4.2023, UBND tỉnh Đồng Nai đã tổng kiểm tra các cơ sở chăn nuôi trên toàn địa bàn nhằm xử lý dứt điểm tình trạng ô nhiễm môi trường trong hoạt động chăn nuôi và đánh giá thực trạng về môi trường đối với các cơ sở chăn nuôi. Kết quả đã xử phạt 168 cơ sở với tổng số tiền hơn 7,1 tỉ đồng.

​​​​​​​

(Một hộ chăn nuôi heo ở Đồng Nai)

Theo số liệu của Cục Thống kê Đồng Nai, tổng đàn gia súc tính đến tháng 6.2024 là 2.316.438 con (giảm 6,14% so cùng kỳ). Trong đó, trâu 3.988 con (tăng 5,64%); bò 108.382 con (tăng 0,35%).

Đàn heo chiếm nhiều nhất với 2.204.068 con và giảm 6,45% so cùng kỳ. Nguyên nhân là do giá heo hơi những tháng đầu năm ở mức thấp, tuy có tăng nhưng không nhiều nên phần nào ảnh hưởng tâm lý của người chăn nuôi, nhất là các hộ nuôi nhỏ lẻ, chi phí đầu vào tăng cao khiến người chăn nuôi gặp rất nhiều khó khăn.

“Mặt khác việc di dời các dự án chăn nuôi ra khỏi khu vực không được phép chăn nuôi tiếp tục đẩy mạnh. Nhiều huyện có số lượng chăn nuôi heo lớn như Thống Nhất, Trảng Bom, Xuân Lộc tiến hành rà soát, di dời, hạn chế phát triển các hộ, trang trại chăn nuôi do chưa đảm bảo điều kiện về môi trường dẫn đến tổng đàn giảm”, Cục Thống kê Đồng Nai phân tích.

(Nguồn: Tin tổng hợp)

Chuyên gia tư vấn

Tìm kiếm câu hỏi

Đặt câu hỏi

với chuyên gia

gửi ngay

Câu hỏi liên quan

CÔNG TY CỔ PHẦN GREENFEED VIỆT NAM

GREENFEED VIỆT NAM

Xã Nhựt Chánh, huyện Bến Lức, tỉnh Long An.

Sđt: (+84) 272 363 2881

Fax: (+84) 272 363 3374

Email: info@greenfeed.com.vn

HOTLINE:(+84) 272 363 2881

Liên hệ tư vấn

GREENFEED VIỆT NAM

* Chúng tôi cam kết không chia sẻ thông tin của bạn với bất cứ bên thứ ba.