PGS.TS Trương Hoàng Minh, Đại học Cần Thơ cho biết, nghề nuôi cá lóc khu vực ĐBSCL gần đây phát triển nhanh về quy mô lẫn chất lượng. Cá lóc (hay cá quả, cá tràu, cá lóc đồng) có phần thân nhỏ, thuôn dài, màu đen vàng, hoa đốm xanh, sờ vào chắc, đặc biệt loại với loại cá lóc bông có hoa văn màu vàng xanh.
Tình hình xuất khẩu cá lóc thương phẩm vào thị trường Campuchia vài năm gần đây có sự tăng trưởng về sản lượng là do 2 yếu tố:
Trước hết, phải nói rằng thu nhập từ việc nuôi cá lóc thương phẩm phục vụ hoạt động xuất khẩu và tiêu dùng trong nước đã giúp cuộc sống người dân trở nên đầy đủ hơn. Trên cơ sở này, ngư dân có ý thức trong việc nâng cao chất lượng sản phẩm đầu ra, thông qua việc ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Nếu như trước kia, ngư dân thường nuôi ghép các giống cá sặc, mè trắng, rô phi… có sức sinh sản nhanh để làm mồi sống cho cá lóc; thì nay, ngư dân đã chuyển sang sử dụng thức ăn công nghiệp để cải thiện chất lượng thịt thơm ngon hơn, sử dụng nhận ký để ghi chép nhằm theo dõi hiệu quả quản lý, phối hợp cùng đội ngũ tư vấn kỹ thuật của các đơn vị phân phối thức ăn thủy sản nhằm chăm sóc đàn cá đúng tiêu chuẩn kỹ thuật, đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng ở đất nước Campuchia.
Một lý do khác là dân số Campuchia ngày một gia tăng, trong khi nguồn lợi thủy sản có nguy cơ cạn kiệt do đánh bắt không có kế hoạch, dẫn đến gia tăng nhu cầu nhập khẩu các mặt hàng thủy sản của Việt Nam.
Thông thường, thời gian nuôi cá lóc từ khi thả giống đến lúc thu hoạch mất khoảng 6 – 6,5 tháng. Hiện nay, ngư dân nuôi cá lóc tỉnh Trà Vinh đang bước vào vụ thu hoạch và giá cá lóc thương phẩm duy trì ở mức ổn định 35.000 đồng/kg nhiều tháng nay. Anh Trần Quốc Thái (ngụ xã Song Lộc, huyện Châu Thành) cho biết gia đình anh vừa bán 130 tấn cá lóc cho thương lái chuẩn bị xuất sang thị trường Campuchia, trừ giá thành sản xuất mỗi kg 30.000 đồng, anh tính vụ này lời được 650 triệu đồng. Mỗi năm, anh nuôi 1vụ rưỡi, ước lãi đạt khoảng 900 triệu đồng.
Bên cạnh hoạt động xuất khẩu sang thị trường nước ngoài, nhiều doanh nghiệp nội địa trên tỉnh Trà Vinh thu mua số lượng lớn cá lóc tươi để chế biến thành sản phẩm khô, lạp xưởng cá lóc, cá lóc chà bông… đáp ứng đa dạng nhu cầu của người tiêu dùng trong nước.