Mô hình nuôi trong ao đất
Khi chọn ao nuôi nên lưu ý về nguồn nước ao nuôi phải có chất lượng tốt và chủ động; nơi cấp và nơi thoát nước phải tách biệt nhau; hạn chế cây cối xung quanh bờ ao, và nếu có điều kiện thì ao nằm gần đường giao thông để giảm chi phí vận chuyển.
Về diện tích, chọn ao nuôi từ 500 – 3.000m², độ sâu từ 2 – 3m, không nên chọn ao có diện tích quá lớn vì không thuận lợi cho việc chăm sóc, quản lý sức khỏe cũng như khi thu hoạch.
Mô hình nuôi trong vèo
Ưu điểm của mô hình này là giảm áp lực và chi phí về việc thay nước, tăng hiệu quả sử dụng ao hồ, đồng thời chi phí nhân công cũng giảm khi thu hoạch cá thịt.
Khi chọn ao để cắm vèo, cần dựa vào các tiêu chuẩn về diện tích ao phải lớn (> 3.000m²); độ sâu mực nước từ 3m trở lên; nguồn nước ao nuôi phải có chất lượng tốt và chủ động; hạn chế cây cối che phủ mặt nước ao và nếu có điều kiện thì gần đường giao thông để giảm chi phí vận chuyển. Ngoài ra, mắt lưới của vèo phải đủ lớn để nước bên trong và ngoài ao dễ dàng trao đổi với nhau, song cá không thoát ra được. Mặc dù kích thước vèo tùy thuộc vào quy mô sản xuất, nhưng thông thường nên may vèo có diện tích từ 60 – 200m, chiều cao của vèo ít nhất là 3m.
Thả cá giống
Chọn mua cá giống từ các cơ sở sản xuất có uy tín, cá có kích thước đồng đều và lớn, khoảng 1,8 – 2,2 g/con # 450 – 550 con/kg; chọn mua cá “đầu trên” để cá phát triển nhanh; cá bơi lội linh hoạt, không dị hình, cơ thể sáng bóng. Mật độ ương nuôi hợp lý là từ 80 – 100 con/m² (mô hình nuôi ao) và 200 – 250 con/m² (mô hình nuôi vèo), tốt nhất thả cá vào buổi sáng (từ 7 – 10 giờ), không nên thả vào buổi xế chiều, nhất là những lúc trời nắng vì cá rất dễ bị tuột nhớt.
Chăm sóc và quản lý
Trong nuôi cá, chất lượng nước ao nuôi rất quan trọng, quyết định đến sức khỏe, sức sống và sức tăng trưởng của cá. Vì vậy, trong quá trình nuôi, cần nghiêm túc thực hiện các việc:
• Sau 1 tháng thả giống, khoảng 2 – 3 ngày/lần cần thay nước ao, mỗi lần thay từ 30 – 40% lượng nước cũ.
• Hằng ngày trộn các dưỡng chất vào thức ăn cho cá như vitamin C, Premix khoáng, men tiêu hóa, men vi sinh, chế phẩm từ thảo dược (như chế phẩm từ tỏi) để cá hấp thu tốt dưỡng chất trong thức ăn cũng như tăng cường sức đề kháng cho cá.
• Định kỳ 07 – 10 ngày/lần, dùng Iodine với liều lượng 200 gam/1.000 m³ nước (pha loãng trong 100 lít nước rồi tạt đều xuống ao vào lúc trời mát để khử trùng nước ao nuôi).
• Định kỳ 15 ngày/lần, trộn thuốc vào thức ăn để diệt các nội ký sinh trùng bám trên đường ruột cá (liều dùng theo hướng dẫn của nhà sản xuất). Mỗi lần nên cho cá ăn thuốc từ 1 – 2 ngày và cho ăn thuốc vào cữ ăn buổi sáng.