Luân Trùng – Moina – Daphnia (Nguồn thức ăn quan trọng cho Cá Bột)

Trước khi cá giống sử dụng được các loại thức ăn công nghiệp thì nguồn thức ăn chủ yếu là phụ thuộc vào các nguồn phiêu sinh thực. Hiện nay, có 3 loại động vật phiêu sinh phổ biến thường gặp trong việc sinh trưởng giai đoạn cá bột. Ngành THS GREENFEED VN xin gửi đến quý bà con cách thu hoạch các loại phiêu sinh để giúp tăng tỷ lệ sống cho giai đoạn cá bột.

LUÂN TRÙNG (Rotifer)

Luân trùng là những động vật phiêu sinh có kích thước nhỏ (100 – 300µm) có nhiều hình dạng khác nhau, bơi lội chậm, phù hợp với kích thước miệng cá, tôm giống. Đặc biệt, luân trùng có giá trị dinh dưỡng cao (giàu acid béo và HUFA) nên luân trùng (đại diện là giống Brachionus) là nguồn thức ăn tự nhiên đầu tiên và rất quan trọng của cá bột sau khi đã sử dụng hết noãn hoàn.

Trong các các dạng thủy vực nước ngọt Luân trùng phân bố rộng ở ao, đầm … với tập tính ăn lọc nên thức ăn của luân trùng chủ yếu là vi tảo, vi khuẩn, mùn xác hữu cơ, vật thể li ti lơ lửng trong nước.

Luân trùng có vòng đời ngắn, dao động trong khoảng vài ngày đến vài tuần tùy theo loài, quần thể có thể nhân lên nhiều lần trong thời gian ngắn, vì vậy thích hợp cho việc nuôi sinh khối.

Giá trị dinh dưỡng của luân trùng có thành phần axit béo không no có chứa EPA, DHA, là axit béo thiết yếu, có tác động đến tỷ lệ sống và sự phát triển của cá bột. Vì vậy, luân trùng đã trở thành nguồn thức ăn tươi sống không thể thiếu trong sản xuất giống.

Có nhiều phương pháp nuôi luân trùng phố biến sau:

Nuôi theo phương pháp thu hoạch toàn bộ: Luân trùng được cấy vào môi trường đã gây nuôi vi tảo ở mật độ cao làm thức ăn cho luân trùng. Khi luân trùng sử dụng hết lượng tảo thì thu hoạch toàn bộ và dùng một phần làm giống cho các đợt nuôi khác.

– Nuôi theo phương pháp thu hoạch bán liên tục: Luân trùng sẽ thả với mật độ thấp trong các bể được cấy tảo. Khi tảo được sử dụng hết, luân trùng được tiếp tục cho ăn nguồn tảo từ bên ngoài bằng men bánh mì. Khi mật độ luân trùng tương đối cao thì thu hoạch khoảng 10-30% thể tích nuôi đồng thời bổ sung lượng nước mới vào. Sau vài lần thu hoạch, mật độ luân trùng giảm sẽ được nuôi cấy sang bể mới.

– Nuôi bằng hệ thống tuần hoàn: Nuôi luân trùng với mật độ cao thường dẫn đến sự ô nhiễm do phân huỷ thức ăn thừa và tích tụ của chất thải. Phương pháp cải thiện chất lượng nước bằng cách xây dựng một hệ thống bể nuôi (500 lít và một bể 150 lít) để tạo dòng chảy lưu thông. Sau đó lọc nước thu các chất thải theo định kỳ. Các chất thải cho vào bể có chứa các loại vi khuẩn phân huỷ tạo thành các chất vô cơ và chất khoáng. Những chất khoáng này được dùng lại để nuôi tảo và dùng tảo nuôi luân trùng.

+ Ưu – khuyết điểm loại thức ăn gây nuôi tảo (làm thức ăn cho Rotifer):       

Nuôi bằng tảo: Năng suất thu hoạch cao; Dễ quản lý môi trường nuôi – chi phí hệ thống bể nuôi tảo và Công lao động do nuôi tảo khá cao.

Nuôi bằng men bánh mì: Chủ động được nguồn thức ăn , Không tốn thêm bể nuôi tảo Ít tốn công lao động . Năng suất thu hoạch thấp

Những thiết bị gây nuôi luân trùng theo quy mô nhỏ

Những thiết bị gây nuôi luân trùng theo quy mô nhỏ

GIÁP XÁC CHÂN CHÈO Copepoda – Daphnia (rận nước)

Giáp xác chân chèo (Copepoda) hay Daphnia là loài giáp xác nước ngọt nhỏ. Là một trong những nhóm động vật phù du phân bố khá rộng ở nhiều dạng thủy vực khác nhau từ nước ngọt, nước lợ, nước mặn đến các dạng môi trường đặc biệt như trong cát và nền đáy.

Tại các thủy vực nước ngọt, đã ghi nhận hơn 2,800 loài giáp xác chân chèo chủ yếu thuộc 3 bộ Calanoida, Harpacticoida, Cyclopoida phân bố ở nhiều dạng thủy vực từ sông, hồ, sinh cảnh cát cho đến trong nước ngầm.

Giáp xác chân chèo Copepoda là thức ăn tươi sống có giá trị dinh dưỡng cao cho cá giống. Với hàm lượng protein – các enzyme tiêu hóa (proteases, enzyme tiêu hóa protein và peptide) cao, hội tụ đủ acid amin, lipid và vitamin. Thích hợp cho nhu cầu dinh dưỡng và là thức ăn trong sản xuất giống các loài thủy hải sản có giá trị kinh tế

Trong chuỗi thức ăn tự nhiên Giáp xác chân chèo (Copepoda) đóng vai trò là mắt xích rất quan trọng cho các động vật thuỷ sinh, tôm – cá… và là nhóm sinh vật chỉ thị để đánh giá chất lượng môi trường nước.

 

GIÁP XÁC RÂU NGÀNH Cladocera – Moina (BOBO hay TRỨNG NƯỚC)        

Moina thuộc nhóm giáp xác râu ngành (Cladocera) còn gọi là “bo bo” hay “trứng nước”. Cấu tạo cơ thể của moina gồm đầu và thân. râu là phương tiện di chuyển chính. Moina trưởng thành (700 – 1.000 µm) moina mới nở – moina non (nhỏ hơn 400 µm). Là loại giáp xác nhỏ có giá trị dinh dưỡng cao và là thức ăn vô cùng quan trọng cho ấu trùng động vật thủy sản, đặc biệt là giai đoạn vừa hết noãn hoàng.

Lẫn trong nước thường có các giống khác như: Daphnia.Cyclop… Moina chủ yếu phân bố ở nước ngọt thường tập trung thành đám dày đặc màu đỏ vào buổi sáng sớm trong các ao hồ, vùng nước đọng của cống rãnh có nhiều chất hữu cơ.

Màu sắc moina do thức ăn và ôxy hòa tan (DO) quyết định. Khi mật độ DO thấp, chúng có màu đỏ do lượng hemoglobin cao. Thông thường moina non có màu đỏ nhạt hơn moina trưởng thành.

Sinh sản: Có 2 hình thức sinh sản (tương tự như luân trùng):

  • Đơn tính (vô tính): Trong điều kiện môi trường thuận lợi
  • Hữu tính: Khi điều kiện môi trường không thuận lợi.

Số lượng moina phát triển nhanh và giá trị dinh dưỡng của moina cao đều do lượng vi khuẩn, men bia và vi tảo dồi dào. Cả bã hữu cơ động lẫn thực vật đều cung cấp năng lượng cho sự tăng trưởng của moina.

Giá trị dinh dưỡng của moina phụ thuộc vào độ tuổi và loại thức ăn mà chúng được nuôi. Lượng protein ở moina chiếm 50% khối lượng khô. Moina trưởng thành chứa nhiều chất béo hơn moina non. Lượng chất béo chiếm 20 – 27% khối lượng khô ở moina cái trưởng thành và 4 – 6% ở moina non.

Phương thức gây nuôi Moina: trong ao đất (phương thức gây nuôi sinh khối hiệu quả và kinh tế nhất) – trong bể ciment và trên bạt lót nylon….

Thức ăn của moina gồm: các loài vi tảo, vi khuẩn, mùn bã hữu cơ lơ lửng, men bia và mùn bã hữu cơ (thối rữa).

Do đó, ao khi bón phân gây màu sẽ tạo nên môi trường có nhiều tảo, vi khuẩn hiếu khí (là nguồn thưc ăn chính cho moina) tạo điều kiện thuận lợi cho moina phát triển.

Có nhiều nguyên liệu được dùng gây màu cho việc nuôi thu sinh khối moina: phân chuồng – phân hữu ủ hoai; phân vô cơ, men bia men rượu, bột xay nhuyễn từ các loại ngũ cốc, dịch thải từ lò giết mổ gia súc – gia cầm…

  • NUÔI SINH KHỐI MOINA TRONG AO ĐẤT:
  • Chọn ao 1000m2 – 2000m2, độ sâu mực nước ao 1 -1.5m, ao được thực hiện các bước cải tạo như những ao ương nuôi cá giống
  • Cấp nguồn nước sạch vào ao qua hệ thống cống có lưới lọc. Sau đó tiến hành bón phân gây màu cho ao. Môi trường nước nuôi Moina thường có độ pH 7-8, hàm lượng oxy từ 3-3.5mg/lít, nhiệt độ 26-30 độ C, độ cứng trên 150-200mg/lit, NH3:0.2mg/lit.
  • Dùng phân chuồng cần được ủ kỹ: liều lượng 0.4-0.5kg/m3 hay bón chung với phân: liều lượng 0.1- 0.3kg/m3 đồng thời kết hợp bón hổn hợp nguồn thức ăn gây nuôi moina.

Công thức phối trộn nguyên liệu tạo nguồn thức ăn cho ương nuôi moina (đã triển khai thực tiển)

1/ Hổn hợp nguyên liệu phối trộn: 6 kg bột đậu nành + 6 kg cám gạo + 125gr men bánh mì sau đó được ủ sau 12 giờ và pha loãng nước sạch tưới khắp ao.

2/ Sử dụng thức ăn GF 6106 (1mm – 1.5mm 40%P): 5 -10kg + 0.5 – 0.7 kg mật rỉ đường +1kg men vi sinh pha vào 20 lít nước sạch và sục khí lien tục; sau 12 giờ tưới hổn hợp xuống ao

Hằng ngày, có thể thay từ 20-25% lượng nước nuôi, tránh cho ăn quá nhiều sẽ làm ô nhiễm nước và tạo điều kiện cho vi khuẩn có hại phát triển.

Quan sát ao ương, nếu thấy trứng nước tập trung thành những quầng như đám mây, có màu đỏ, di chuyển trên mặt nước vào sáng sớm là moina phát triển với mật độ cao và nhiều. Nếu trứng nước phát triển quá nhiều trong ao ương có thể làm cho ao bị thiếu oxy về đêm và có thể gây ảnh hưởng đến sinh khối trong thời gian tới.

GREENFEED - TOP 50 Thương hiệu hàng đầu Việt Nam
Liên hệ (Hotline: 0949 555 373)

GREENFEED VIETNAM

Close
Hủy

* Chúng tôi cam kết không chia sẻ thông tin của bạn với bất cứ bên thứ ba.