Quy trình kỹ thuật nuôi thương phẩm cá tra (Pangasianodon hypophthalmus) trong ao đất

Cá tra (Pangasianodon hypophthalmus) là một trong những đối tượng xuất khẩu chủ lực của ngành thủy sản Việt Nam, góp phần lớn trong việc cải thiện đời sống cho bà con và thu ngoại tệ về cho đất nước. Tuy nhiên trong những năm gần đây, nghề nuôi cá tra trải qua nhiều thăng trầm, cùng với nhiều khó khăn của thị trường, những quy định nghiêm ngặt về chất lượng của nước nhập khẩu, môi trường nước ngày càng ô nhiễm, con giống suy thoái về chất lượng… dẫn đến giá thành sản xuất tăng cao, giảm lợi nhuận của người nuôi và doanh nghiệp.

Trước hiện trạng đó, GREENFEED Việt Nam xin giới thiệu đến quý bà con và khách hàng Quy Trình Kỹ Thuật Nuôi Cá Tra Thương Phẩm với mong muốn góp phần cải thiện năng suất nuôi và phát triển bền vững cho ngành cá tra.

I. TIÊU CHUẨN AO NUÔI

I.1 VỊ TRÍ AO NUÔI

Việc lựa chọn vị trí ao nuôi là yếu tố rất quan trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến năng suất, chất lượng sản phẩm và chi phí cho cả vụ nuôi. Đề đảm bảo được các vấn đề trên thì người nuôi nên tuân thủ các điều kiện sau:

  • Nền đất không bị nhiễm phèn, thông thoáng, không có táng cây che phủ
  • Gần nơi cung cấp nước như: sông, kênh, rạch lớn, có thể chủ động được nguồn nước phục vụ cho suốt cả vụ nuôi và nguồn nước không bị nhiễm mặn
  • Thuận tiện giao thông, tạo điều kiện thuận lợi cho việc vận chuyển thức ăn, cá giống và vận chuyển cá khi thu hoạch, đồng thời giảm được chi phí sản xuất cho vụ nuôi.
  • Đảm bảo an ninh địa phương.

I.2 THIẾT KẾ AO NUÔI

  • Ao nuôi có diện tích từ 1.000 m2 trở lên; độ sâu từ 2,5 m trở lên (tối ưu về diện tích từ 5.000 – 10.000 m2, độ sâu 4 – 6 m)
  • Ao phải có cống cấp nước và thoát nước riêng biệt, bờ ao phải đảm bảo chắc chắn, không rò rỉ, cao hơn mực nước cao nhất trong ao ít nhất 0,5 m.
Ao nuôi cá tra thương phẩm

Ao nuôi cá tra thương phẩm

II. QUY TRÌNH KỸ THUẬT

II.1 CẢI TẠO AO

Trước khi thả cá phải thực hiện các bước chuẩn bị ao như sau:

  • Tháo cạn hoặc tát cạn ao, diệt hết cá tạp trong ao.
  • Vét bớt bùn lỏng đáy ao, chỉ để lại lớp bùn khoảng 10 – 15 cm
  • Lấp hết hang hốc, lỗ mọi rò rỉ và tu sửa lại bờ, mái bờ ao.
  • Dùng vôi CaO rải khắp đáy ao và bờ ao với lượng 7-10 kg/100 m2 để điều chỉnh pH thích hợp.
  • Dùng BKC với liều lượng 0,5 lít BKC pha loãng với 200 lít nước rồi phun đều khắp đáy và xung quanh ao để tiêu diệt mầm bệnh còn trú ẩn dưới đáy ao.
  • Phơi đáy ao 5 – 7 ngày, không nên phơi ao quá lâu sẽ có hiện tượng xì phèn không có lợi cho ao nuôi.
  • Sau cùng cho nước từ từ vào ao qua cống có chắn lưới lọc để ngăn cá dữ và địch hại lọt vào ao, giữ mức nước ao từ 2,0 – 2,5 m.
  • Trường hợp những ao nuôi ở khu vực cồn ven sông, những ao nuôi không thể tát cạn thì quy trình cải tạo ao như sau:
    • Tháo cạn nước trong ao xuống mức thấp nhất có thể.
    • Dùng vôi CaO với liều 200 kg/10.000 m3
    • Xử lý nền đáy bằng các chế phẩm vi sinh (liều lượng sử dụng theo hướng dẫn của nhà sản xuất)
    • Bơm nước vào ao nuôi với mực nước 2,0 – 2,5 m.

II.2 THẢ CÁ

II.2.1 Tiêu chuẩn cá giống

  • Cá thả nuôi cần được chọn lựa cẩn thận đảm bảo chất lượng để cá tăng trưởng tốt trong quá trình nuôi. Các tiêu chuẩn để chọn đàn cá thả nuôi:
    • Cá khỏe mạnh: quan sát thấy cá đớp móng nhanh và mạnh
    • Cá không bị nhiễm ký sinh trùng và nhiễm khuẩn: kiểm tra ngẫu nhiên 10 – 20 con để đánh giá mức độ nhiễm ký sinh trùng cũng như nội tạng của cá như gan, thận,…
    • Cỡ cá đồng đều, cơ thể không bị trầy xước, mất nhớt, các vây, kỳ đầy đủ và không bị tổn thương.

II.2.2 Mật độ nuôi

  • Mật độ thả nuôi từ 60 – 100 con/ m2 (cá 25 – 50 gam/ con)
  • Lưu ý: Cá giống mới đưa về, trước khi thả xuống ao nên tắm bằng nước muối 2 – 3% trong 5- 6 phút để lọai trừ hết các ký sinh và chống nhiễm trùng các vết thương hoặc vết xây xát trên thân cá. Buổi chiều mát cùng ngày thả giống sử dụng Iodine với liều 0,2 gam/ m3 ao nuôi, hòa loãng với nước và tạt đều ao.

II.3 CHO ĂN

  • Ngày đầu tiên sau khi thả giống không nên cho ăn. Trong 3 ngày tiếp theo nên cho cá ăn 01 cữ/ ngày lúc 08:00 với khẩu phần khoảng 0.5 – 0.8% trọng lượng đàn cá. Bổ sung thêm Vitamin C và Premix khoáng để cá mau phục hồi sức khỏe.
  • Bảng chương trình cho ăn khuyến cáo của GREENFEED
Cỡ cá Mã số thức ăn Cỡ viên (mm) Protein (%) Thời điển cho ăn
25 – 50 gam/con 6326 C0 2.0 28 Mỗi ngày cho ăn 02 cữ, lúc 8:00 và 14:00
50 – 80 gam/con 6326 C2 2.2 28
80 – 250 gam/con 6326 D0 3.0 28
250 – 500 gam/con 6336 E0 4.0 28
500 gam/con – thu hoạch 6336 G0 6.0 28

  • Lưu ý:
    • Khi cho ăn nên rải thức ăn từ từ và đều ao để toàn bộ cá trong ao có thể ăn được, hạn chế sự phân cỡ cá trong ao, giảm thời gian thức ăn tiếp xúc với nước sẽ làm mất dinh dưỡng của thức ăn và gây ô nhiễm môi trường nước.
    • Khẩu phần cho ăn và lượng thức ăn căn cứ vào điều kiện thời tiết, sức khỏe cá mà cần điều chỉnh cho phù hợp.
    • Trường hợp vào mùa lạnh, cá ăn ít thì chỉ nên cho ăn 01 cữ/ ngày vào lúc nhiệt độ nước ao cao (khoảng 15:00 – 16:00 giờ) và cho cá ăn tối đa.
    • Tùy theo độ đồng đều của cá trong ao mà quyết định kích cỡ viên thức ăn.

II.4 CHĂM SÓC, QUẢN LÝ

II.4.1 Quản lý chất lượng nước ao nuôi

  • Chất lượng nước ao nuôi rất quan trọng vì ảnh hưởng đến sức khỏe và chất lượng cơ thịt của cá trong suốt vụ nuôi.
  • Giai đoạn đầu khi thả giống, sau khi cá thích nghi với môi trường nước mới thì tiến hành thay nước, lượng nước thay từ 20 – 30%. Sau đó, tăng dần tần suất thay nước, đặc biệt giai đoạn 03 – 04 tháng cuối của vụ nuôi cần phải thay nước hàng ngày, lượng nước thay tối thiểu từ 50 – 60%, trường hợp có thể thay được 100% lượng nước thì nên thực hiện. Thay nước bằng cách vừa xả cống đáy vừa bơm nước vào tầng mặt để loại hết lượng chất thải dưới đáy ao, hạn chế sự thay đổi môi trường nước đột ngột.
  • Hút bùn đáy ao: Định kỳ khi cá sử dụng được khoảng 50 – 75 tấn thức ăn, tiến hành hút bùn đáy ao để loại bỏ chất thải, giảm ô nhiễm môi trường nước ao nuôi và tăng chất lượng cơ thịt cá
  • Lưu ý: tùy thuộc vào tần suất thay nước, lượng nước thay và lượng thức ăn đã sử dụng để quyết định thời điểm hút bùn đáy ao cho phù hợp.

II.4.2 Quản lý đàn cá

  • Hàng ngày phải chú ý theo dõi hoạt động của cá, mức độ sử dụng thức ăn, tình hình thời tiết để điều chỉnh lượng thức ăn cho hợp lý và đạt hiệu quả.
  • Khi thấy hiện tượng cá nổi đầu khác với bình thường, phải nhanh chóng xác định nguyên nhân để có biện pháp xử lý kịp thời.
  • Kiểm tra cá: mỗi tháng tiến hành kiểm tra cá một lần. Khi kiểm tra, bắt ngẫu nhiên 30 cá thể để xác định cỡ cá, trọng lượng đàn cá và đánh giá sự tăng trưởng.

II.4.3 Phòng bệnh

  • Tăng cường sức khỏe, sức đề kháng của cá: định kỳ 7 – 10 ngày bổ sung Vitamin C, Premix khoáng, men tiêu hóa để cá khỏe mạnh và hấp thu tốt dưỡng chất trong thức ăn.
  • Hạn chế mầm bệnh, vi khuẩn trong ao nuôi: Định kỳ hút bùn đáy ao, thao tác hút bùn nên từ từ, nhẹ nhàng để tránh làm quẩy đục đáy ao, khí độc sẽ hòa tan vào nước gây bệnh cho cá.
  • Hạn chế mầm bệnh kí sinh trong cơ thể cá: Định kỳ 20 – 30 ngày xổ kí sinh cho cá bằng cách trộn thuốc (liều khuyến cáo của nhà sản xuất) vào thức ăn. Mỗi lần xổ 2 – 3 ngày và chỉ xổ 1 lần/ ngày vào buổi sáng. Sau khi xổ kí sinh, cho cá ăn bổ sung Vitamin C, Premix khoáng và men tiêu hóa 3 – 5 ngày liên tục để cá nhanh phục hồi.
  • Định kỳ xử lý vôi CaO với liều 200 kg/ 10.000 m3 nước để ổn định chất lượng nước ao nuôi.

II.5  THU HOẠCH

  • Trước khi thu hoạch cần:
    • Dự báo số lượng cá trong ao để nhà thu mua chuẩn bị phương tiện vận chuyển.
    • Tăng cường sức khỏe cho cá bằng cách cho cá ăn vitamin C liên tục từ 3 – 5 ngày (liều sử dụng theo hướng dẫn của nhà sản xuất);
    • Tùy theo màu sắc cơ thịt cá mà quyết định thời gian bổ sung thêm các chất dinh dưỡng để đạt màu yêu cầu của nhà thu mua.
    • Khử trùng nước ao nuôi bằng BKC với liều 200 gam/1.000 m3 nước;
    • Ngưng cho cá ăn 2 – 3 ngày trước khi thu hoạch.
  • Khi thu hoạch cần:
    • Xử lý nước trong khu vực thu cá bằng sản phẩm chứa chất chiết xuất của Yucca, muối để khử khí độc và làm tăng sức khỏe của cá.

 

Đăng ký nhận bảng tin về ngành bạn đang quan tâm từ GREENFEED Vietnam!

Close