Phát biểu trong phiên thảo luận, ông Phạm Tuấn Anh – Giám đốc Phát triển Bền vững tại GREENFEED cho biết: “Trong thời điểm thị trường gặp nhiều biến động, GREENFEED đã tận dụng được sức mạnh của chuỗi cung ứng nội tại để vươn lên. Không chỉ vậy, những lợi thế từ chuỗi 3F Plus còn giúp chúng tôi chủ động hơn trong việc thúc đẩy các sáng kiến phát triển bền vững trên toàn chuỗi FEED – FARM – FOOD để kịp thời nắm bắt các cơ hội tăng trưởng trong giai đoạn mới”.
Tại GREENFEED, lộ trình phát triển bền vững được xây dựng thông qua quá trình phân tích chiến lược ESG, bao gồm các yếu tố liên quan đến Môi trường, Xã hội và Quản Trị; từ đó, tập đoàn xác định được các lĩnh vực trọng yếu cũng như mục tiêu phát triển bền vững ngắn, trung và dài hạn.
Để thực hiện các mục tiêu và chiến lược đã đề ra, trong những năm gần đây, GREENFEED không ngừng triển khai, áp dụng các sáng kiến phát triển bền vững trong hoạt động sản xuất và vận hành doanh nghiệp. Nổi bật trong đó phải kể đến sáng kiến xuất cám xá giúp giảm sử dụng bao bì nhựa khó phân hủy hay tăng cường sử dụng năng lượng tái tạo biogas, biomass, pin năng lượng mặt trời để góp phần giảm phát thải khí nhà kính,… Bên cạnh đó, đối với ngành sản xuất thức ăn chăn nuôi (FEED), tập đoàn cũng không ngừng tối ưu hóa công thức dinh dưỡng, giảm hệ số chuyển đổi thức ăn FCR nhằm giảm lượng chất thải chăn nuôi phải xử lý.
Hoạt động sản xuất của ngành chăn nuôi vốn mang tính đặc thù, chịu ảnh hưởng rất lớn từ biến đổi khí hậu. Vì vậy, trong dài hạn, việc mở rộng quy mô các giải pháp trên sẽ giúp doanh nghiệp tiết kiệm tài nguyên, tối ưu hóa hiệu quả kinh tế, đồng thời bảo vệ môi trường và kinh doanh bền vững hơn.
Cũng theo ông Tuấn Anh, việc mở rộng chuỗi cung ứng và theo đuổi các mục tiêu trên lộ trình phát triển bền vững còn giúp GREENFEED thúc đẩy mô hình kinh tế tuần hoàn khi đầu ra của ngành này sẽ trở thành nguyên liệu đầu vào của ngành khác.
Trên thực tế, tại các trang trại, GREENFEED đã và đang triển khai thu hồi khí sinh học từ nước thải để chạy máy phát điện, cung cấp năng lượng lại cho vận hành trại. Đối với chất thải rắn từ chăn nuôi, GREENFEED sử dụng phương pháp ủ composting và mô hình nuôi trùn quế để chuyển biến chất thải thành các sản phẩm phân bón hữu cơ giàu dinh dưỡng, acid amin cho cây trồng. Cây trồng sau khi thu hoạch sẽ tiếp tục được cung cấp cho nhà vườn, trang trại trồng trọt hoặc trở thành nguyên liệu đầu vào cho ngành FOOD để chế biến thành các loại gia vị, sản phẩm từ quả như chuối sấy, mít sấy,…
Theo thống kê, tính đến năm 2021, trại Cư-Jút (một trong hai trại thử nghiệm mô hình trùn quế của GREENFEED) đã thu hoạch gần 140 tấn phân trùn quế, 3,5 tấn dịch trùn, 30 tấn chuối quả.
Chia sẻ về định hướng phát triển trong tương lai, ông Tuấn Anh cho biết: “GREENFEED sẽ tiếp tục phát triển chuỗi thực phẩm sạch 3F Plus, đồng thời đẩy mạnh nghiên cứu và huy động nguồn lực nhằm nhân rộng các giải pháp sản xuất theo mô hình kinh tế tuần hoàn, hướng tới mục tiêu kiến tạo giá trị bền vững cho người chăn nuôi, khách hàng và cộng đồng”.