Mùa nắng nóng ở Đồng Bằng sông Cửu Long và khu vực Đông Nam Bộ bắt đầu từ đầu tháng 3 và kéo dài cho đến hết tháng 6. Nhiệt độ ngoài trời có thể lên đến 38 – 40°C, nhiệt độ nước mặt trong ao và trên sông cũng có thể lên trên 32°C. Cá trong khoảng thời gian này thường bị stress do nhiệt độ nước cao.
Cá là loài động vật máu lạnh – hay còn gọi động vật biến nhiệt – không thể tự kiểm soát thân nhiệt. Thay vào đó, chúng dựa vào nhiệt độ của môi trường nước xung quanh để điều chỉnh hoạt động trao đổi chất của cơ thể. Vì vậy, các giai đoạn có nhiệt độ nắng nóng lệch xa so với mức tối ưu cho sự sinh trưởng sẽ làm giảm tốc độ tăng trưởng của cá cũng như phát sinh bệnh do vi khuẩn.
Các sinh vật trong nước như cá nuôi, phiêu sinh vật, động, thực vật và vi khuẩn cần nhiều oxy hơn khi nhiệt độ nước tăng cao cho hoạt động hô hấp của chúng. Tuy nhiên, khi nước ấm lên, lượng oxy hòa tan trong nước sụt giảm, không đáp ứng được nhu cầu của cá nuôi, khiến cá bị stress.
Độc tính của ammonia gia tăng khi nhiệt độ nước tăng cao trong lúc oxy hòa tan trong nước giảm làm cho cá trở nên dễ mắc bệnh hơn và trong những trường hợp nghiêm trọng, cá có thể bị tổn thương nội quan, hô hấp bị ngưng trệ. Khi nhiệt độ nước trên 32°C, các vi khuẩn có lợi duy trì sự cân bằng chất lượng nước giảm dần, dẫn đến sự tích tụ ammonia và nitrite nguy hiểm gây hại cho cá. Nhiệt độ nước cao trong mùa nắng nóng cũng sẽ giúp vi khuẩn Aeromonas hydrophila gây bệnh xuất huyết và Streptococcus agalactiae gây bệnh lồi mắt, trướng bụng tăng cao số lượng trong nước. Cá bị hao hụt nhiều chủ yếu do hai bệnh này trong mùa nắng nóng.
Nhằm đảm bảo năng suất, lợi nhuận bè nuôi, người nuôi cá phải có những giải pháp thích hợp nhằm hạn chế tối đa ảnh hưởng của nhiệt độ nước trong mùa nắng nóng, đặc biệt đối với các hệ thống nuôi như ao, bè ngoài trời.
Dưới đây là một số gợi ý cho các giải pháp giúp cá tăng sức chịu đựng, giảm hao hụt trong mùa nắng nóng.
1. Tăng cường oxy hòa tan trong nước
Nước có nhiệt độ cao sẽ có nồng độ oxy hòa tan thấp hơn nước có nhiệt độ thấp. Cùng lúc này, cá hoạt động nhiều hơn và tiêu thụ nhiều oxy hơn khi nhiệt độ nước tăng cao. Sục khí nước hay quạt nước (đạp nước) là một giải pháp hiệu quả giúp bổ sung oxi hòa tan trong nước và ổn định nhiệt độ nước.
Để nhận biết khi cá bị thiếu oxy, hãy quan sát hoạt động của cá. Cá thiếu oxy sẽ tập trung nhiều ở mặt nước hớp bóng khí liên tục hoặ tập trung nhiều vào nơi nước cấp vào ao.
2. Điều chỉnh giảm lượng thức ăn cho cá
Khi nhiệt độ nước tăng cao, cá sẽ bắt mồi nhiều hơn. Lượng thức ăn cá tiêu thụ ở 32°C sẽ cao hơn khi ở 30 °C. Tuy nhiên, không vì đặc tính này mà cho cá ăn nhiều hơn khi trời nắng nóng. Nên lấy mức thức ăn cá ăn ở nhiệt độ nước 30°C làm chuẩn để cho cá ăn khi nhiệt độ nước ở 32 °C. Cho cá ăn từ từ theo tốc độ bắt mồi của cá. Không nên cho cá trong bè ăn lúc nước đứng vì lúc này oxy hòa tan trong nước thấp hơn khi nước chảy. Tốt nhất nên cho cá ăn lúc mực thủy triều sắp lên đến đỉnh hoặc bắt đầu rút. Nhìn chung, chỉ nên cho ăn khoảng từ 80 – 90 % lượng thức ăn cá có thể bắt mồi. Khi mức độ cá tập trung bắt mồi ngơi đi, không nên rải tiếp thức ăn.
3. San thưa cá, giảm mật độ
Trong giai đoạn cao điểm của mùa nắng nóng (tháng 4 và 5), nên có kế hoạch san thưa cá. Suy nghĩ thả cá mật độ dày ban đầu, sau đó cá hao hụt dần để còn được mật độ nuôi mong muốn khá phổ biến trong người nuôi cá Tra và Điêu Hồng. Việc thả dày sẽ làm tăng mức độ tiêu thụ oxy trong nước, điều này sẽ làm giảm nồng độ oxy hòa tan. Ngoài ra thả cá mật độ dày cũng sẽ làm tăng lượng chất thải. Hai yếu tố này sẽ làm giảm khả năng xử lý sinh học của chính hệ thống nuôi.
4. Dọn sạch chất thải trong ao, bè
Thức ăn dư thừa, xác cá chết, bùn đất tích tụ ở đáy ao không tốt cho ao và bè nuôi, đặc biệt trong mùa nắng nóng. Các thành phần có hại này sẽ bị phân hủy tạo khí độc ammonia và làm giảm oxy hòa tan trong nước. Khi nhiệt độ nước cao hơn bình thường, bên cạnh lượng oxy hòa tan giảm, hàm lượng ammonia quá cao trong nước cũng sẽ gây độc cho cá, ảnh hưởng đến năng suất chăn nuôi.
5. Nâng cao mực nước trong ao
Vào mùa nắng nóng, mực nước trong ao nên được nâng cao. Mực nước ao sâu sẽ giúp nước trong ao có nhiệt độ ổn định, mát hơn so với mực nước cạn. Mực nước sâu cũng giúp cá có nhiều khoảng cách hơn để bơi lội, phát triển dày và săn chắc hơn lườn fillet hai bên thân, giảm được tỷ lệ mỡ bụng trong cơ thể. Nên thay 20 – 25 % nước trong ao vào những ngày nóng bức.
6. Tạo bóng râm cho cá
Cá Tra, Điêu Hồng có thể sống ở nhiệt độ 32 – 34 °C, nhưng đây không phải là nhiệt độ sinh trưởng lý tưởng của cá. Hãy che mát bằng lưới lan cho cá Điêu Hồng trong bè. Đối với ao nuôi, cần che mát gièo cá trong ao.
Đối với ao, bè không được che mát, ánh nắng trực tiếp vào ban ngày có thể làm nhiệt độ nước tăng cao hơn nhiệt độ không khí. Những đêm trời quang có thể khiến nhiệt độ giảm xuống thấp hơn so với nhiệt độ không khí. Điều này làm cho ao, bè không được che mát có nhiệt độ chênh lệch giữa ngày và đêm cao hơn, ảnh hưởng đến sự sinh trưởng của cá nuôi.
7. Tăng cường dưỡng chất chống chịu stress
Trong thời gian nắng nóng, cá phải chịu rất nhiều yếu tố gây stress. Vì vậy, hãy bổ sung vào thức ăn kẽm hữu cơ hay kẽm acetate ở mức 5 – 10 mg/kg thức ăn và vitamin C liều 50 mg/kg thức ăn. Kẽm và viatamin C còn giúp các vết thương trên da mau lành, giảm hao hụt sau khi vận chuyển, chuyển ao, bè hay phân cỡ cá.
8. Kiểm tra chất lượng nước
Nếu thấy cá bơi theo cách bất thường hoặc chậm chạp, hãy kiểm tra chất lượng nước. Hãy đo nhiệt độ nước mặt bằng nhiệt kế, đo nồng độ ammonia, nitrite và oxy hòa tan bằng các kít hóa học.
Bộ giải pháp chăn nuôi GREENFEED được nghiên cứu, phát triển dựa trên điều kiện chăn nuôi thực tế, từ đó hỗ trợ các biện pháp hạn chế hao hụt, nâng cao năng suất cho người chăn nuôi. Hãy liên hệ ngay với chúng tôi để được tư vấn, hướng dẫn chăn nuôi khoa học, hiệu quả.